Trường hợp nào người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý?

Trường hợp nào người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng Hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Khánh Huyền, hiện đang làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Tháp, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Tôi vừa nhận công tác trợ giúp viên pháp lý tại đơn vị hiện tại nên có nhiều điều chưa rõ, trong đó, có một vấn đề tôi khá băn khoăn là không biết pháp luật quy định trường hợp nào người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (khanhhuyen***@gmail.com)

Ngày 01/01/2018, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 chính thức có hiệu lực, theo đó, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì:

Người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;

c) Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Trợ giúp pháp lý 2017 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào