Mã số doanh nghiệp là gì?

Mã số doanh nghiệp là gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Hoài Anh, hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Tài chính - Marketing. Hiện tại, em đang tìm hiểu một số quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam để phục vụ cho bài báo cáo của mình sắp tới. Trong quá trình tìm hiểu có một thuật ngữ mà em chưa rõ lắm nên em muốn nhờ anh/chị giải đáp giúp em. Hiện nay pháp luật quy định như thế nào về mã số doanh nghiệp? Em có thể tìm hiểu nội dung quy định này tại văn bản nào? Mong sớm nhận được thông tin phản hồi từ phía anh/chị. Em chân thành cảm ơn! Hoài Anh (anhfm***@gmail.com)

Mã số doanh nghiệp được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 30 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.

Mục đích của mã số doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều này như sau:

Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.

Ngoài ra, tại Điều 8 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp còn quy định cụ thể về mã số doanh nghiệp như sau:

+ Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.

+ Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.

+ Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.

+ Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

+ Đối với các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), mã số doanh nghiệp là mã số thuế do cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp.
Như vậy, nếu như trong Luật Doanh nghiệp 2005 còn chưa có bất kỳ quy định nào về vấn đề mã số doanh nghiệp, vẫn còn sử dụng hình thức mã số thuế riêng biệt, thì Luật Doanh nghiệp 2014 đã chính thức ghi nhận vấn đề này.

Với doanh nghiệp, việc mã số doanh nghiệp được luật hóa, đã chính thức rút gọn các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải làm. Thay vì vừa phải làm hồ sơ đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vừa phải đăng ký mã số thuế, thì giờ đây, khi được cấp mã số doanh nghiệp là doanh nghiệp đã đồng thời hoàn thành hai thủ tục đó. Cũng sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh vì lý do không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2005 nữa.

Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm mã số doanh nghiệp. Để có thể hiểu rõ hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào