Bản cáo trạng gồm những nội dung gì?
Bản cáo trạng là gì?
Theo quy định hiện hành, bản cáo trạng là văn bản pháp lý do Viện kiểm sát lập ra khẳng định việc truy tố bị can ra trước tòa án để xét xử. Bản cáo trạng phải được giao cho bị can và lưu trong hồ sơ vụ án. Hay đây là quyết định của viện kiểm sát truy tố bị can trước tòa án. Bản cáo trạng phải dựa vào bản kết luận điều tra để nêu rõ: ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; ai là người đã thực hiện hành vi phạm tội, thủ đoạn, mục đích, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ; nhân thân của bị canvà mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng. Bản cáo trạng phải được giao cho bị can.
Nội dung bản cáo trạng
Nội dung bản cáo trạng được quy định tại Điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.
Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ta thấy bản cáo trạng là văn bản của viện kiểm sát mà nội dung là những căn cứ để truy tố bị can trước tòa án. Một cách chung nhất, cần lưu ý:
Thứ nhất, Viện Kiểm sát là cơ quan duy nhất được pháp luật hiện hành trao cho thẩm quyền ban hành bản cáo trạng
Thứ hai, đối tượng của bản cáo trạng: là những hành vi vi phạm pháp luật của bị can.
Thứ ba, về nội dung, bản cáo trạng phải dựa vào bản kết luận điều tra, trong đó ghi rõ:
- Thông tin cơ bản của bản cáo trạng chẳng hạn như : Thời gian: ngày, tháng, năm xảy ra vụ việc; Địa điểm: nơi xảy ra tội phạm; Chủ thể: ai là người thực hiện hành vi phạm tội
- Nội dung bản cáo trạng:
Thủ đoạn: có hay không thủ đoạn đê hèn, có tính chất man rợ,..
Mục đích phạm tội: do tư thù cá nhân hay do vật chất,..
Hậu quả của tội phạm để lại: đây là dấu hiệu cơ bản và đặc biệt quan trọng để xác định một người có hay không có tội theo quy định pháp luật.
Những tình tiết quan trọng khác như mối quan hệ cá nhân của bị can, người giúp sức cùng phạm tội,..
Chứng cứ, bằng chứng: tang vật, giấy tờ,...xác định tội trạng của bị can.
Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Nhân thân của bị can: sinh trưởng trong gia đình như nào, mối quan hệ với người dân địa phương, có tiền án- tiền sự hay không?,...
- Kết luận. Phần kết của bản cáo trạng cần nêu rõ:
Tội danh: tên tội danh.
Điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng
Và cuối cùng bản cáo trạng phải được giao cho bị can: chủ thể chính tại phiên tòa.
Như vậy ta hiểu bản cáo trạng là quyết định của cơ quan kiểm sát (công tố), nêu rõ đặc điểm, tính chất của hành vi vi phạm pháp luật đưa đến kết luận bị can có tội, nhằm bảo vệ tính đúng đắn của quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung bản cáo trạng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật