Phục hồi điều tra vụ án hình sự khi nào?

Căn cứ phục hồi điều tra vụ án hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật Quốc tế trường Đại học Luật TP.HCM. Hiện tại em đang làm bài tiểu luận về các hoạt động tố tụng ở giai đoạn điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Em được biết, trong quá trình điều tra, một số trường hợp khi phát sinh căn cứ theo quy định pháp luật thì cơ hoạt động điều tra sẽ bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ. Vậy, khi nào thì hoạt động điều tra được phục hồi? Vấn đề này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều!  Lê Mai Linh (linh_law***@gmail.com)

Căn cứ phục hồi điều tra vụ án hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra. Cụ thể là trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và tội phạm đã được đại xá;

Theo đó, trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy,căn cứ các quy định trên, ta thấy, giai đoạn phục hồi điều tra chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và nó chỉ hiện hữu khi trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm.

Phục hồi điều tra có thể được coi là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra. Đó là một giai đoạn của quá trình điều tra bởi vì những trình tự, thủ tục và thẩm quyền cũng như các vấn đề khác có liên quan vẫn rất đặc trưng cho giai đoạn điều tra, nhằm mục đích phát hiện thu thập, củng cố các tài liệu có giá trị chứng cứ để làm rõ chân lý khách quan về vụ án. Mặt khác, đó là một giai đoạn đặc biệt bởi vì, không phải trong mọi vụ án đều có giai đoạn này. Giai đoạn phục hồi điều tra chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và nó chỉ hiện hữu khi trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm.

Quy định về phục hồi điều tra là sự thể hiện trên thực tế nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan trong tố tụng hình sự. Quá trình khám phá vụ án hình sự là quá trình nhận thức một sự việc hiện tượng hết sức phức tạp mà chủ thể gây ra sự việc hiện tượng đó thường chú ý xóa đi dấu vết hoặc tạo ra những hiện tượng đánh lừa bản chất. Quy định về phục hồi điều tra cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có điều kiện để khắc phục những sai sót có thể có trong quá trình khám phá vụ án hình sự bởi những lý do khác nhau.

Khi phục hồi điều tra cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Về nguyên tắc, thẩm quyền ra quyết định phục hồi điều tra thuộc Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 của Điều luật, nếu việc điều tra trước đây bị đình chỉ dựa trên các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự (đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá, theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015) mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp đều có quyền ra quyết định phục hồi điều tra.

Trên đây là nội dung tư vấn về căn cứ phục hồi điều tra vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào