Quản lý, điều hành Tập đoàn thông qua VIETTEL được quy định như thế nào?

Quản lý, điều hành Tập đoàn thông qua VIETTEL được quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em tên là Phương Nga, em đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Em đang làm một chuyên đề liên quan đến Tập đoàn viễn thông quân đội Việt Nam, để hoàn thành chuyên đề, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp em, cụ thể là việc quản lý, điều hành Tập đoàn thông qua VIETTEL được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Em mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0128***)

Quản lý, điều hành Tập đoàn thông qua VIETTEL được quy định tại Điều 53 Nghị định 101/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội như sau:

1. VIETTEL đại diện cho Tập đoàn thực hiện các hoạt động chung của Tập đoàn trong quan hệ với bên thứ ba trong và ngoài nước hoặc các hoạt động khác nhân danh Tập đoàn theo thỏa thuận giữa các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn và quy định của pháp luật có liên quan.

2. VIETTEL thực hiện quyền của mình đối với các doanh nghiệp thành viên thông qua vốn, nghiệp vụ, dịch vụ, công nghệ, thị trường, thương hiệu theo Điều lệ này và Điều lệ của doanh nghiệp thành viên hoặc thỏa thuận giữa VIETTEL với doanh nghiệp đó.

3. VIETTEL sử dụng quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn mà VIETTEL góp vốn và quyền của cổ đông, thành viên để phối hợp, định hướng hoạt động của Tập đoàn:

a) Sử dụng bộ máy quản lý, điều hành tại VIETTEL hoặc thành lập bộ phận riêng để nghiên cứu, hoạch định chiến lược, đề xuất giải pháp phối hợp, định hướng các hoạt động quy định tại Khoản 4 Điều này để trình Tổng Giám đốc VIETTEL thông qua; thông qua Người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn thực hiện các nội dung phối hợp, định hướng quy định tại Khoản 4 Điều này.

b) Thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế, hợp đồng liên kết cùng các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn để phối hợp, định hướng hoạt động của Tập đoàn.

c) Xây dựng các Quy chế thống nhất trong Tập đoàn.

d) Xây dựng, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin và an toàn mạng lưới bưu chính, viễn thông theo quy định của pháp luật.

4. Nội dung phối hợp, định hướng của VIETTEL bao gồm:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của Tập đoàn; định hướng chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên theo chiến lược phát triển; kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của Tập đoàn; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế quản lý, điều hành và tiêu chuẩn, định mức áp dụng thống nhất trong Tập đoàn.

b) Phân loại doanh nghiệp thành viên theo vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược phát triển chung của Tập đoàn; xác định danh mục ngành, nghề kinh doanh chính, danh mục doanh nghiệp thành viên chủ chốt; định hướng doanh nghiệp thành viên theo ngành, nghề kinh doanh chính; quản lý và định hướng Người đại diện theo ủy quyền bảo đảm quyền chi phối của VIETTEL tại các doanh nghiệp chủ chốt.

c) Định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm và 05 năm của các doanh nghiệp thành viên.

d) Định hướng về mục tiêu hoạt động, đầu tư, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; phân công, chuyên môn hóa, hợp tác, tiếp cận, mở rộng và chia sẻ thị trường, xuất khẩu, sử dụng thương hiệu Tập đoàn, dịch vụ thông tin, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và các hoạt động khác của các doanh nghiệp thành viên theo chính sách chung của Tập đoàn.

đ) Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý thương hiệu Tập đoàn; định hướng về thành tố chung trong tên gọi riêng của các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn.

e) Định hướng về tổ chức, cán bộ đối với các doanh nghiệp thành viên.

g) Định hướng nội dung Điều lệ, kiểm soát cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp thành viên.

h) Cử Người đại diện theo ủy quyền tham gia quản lý, điều hành ở doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết. Ban hành và thực hiện quy chế cử, thay thế, giám sát, đánh giá hoạt động của Người đại diện; quy định những vấn đề phải được VIETTEL thông qua trước khi Người đại diện quyết định hoặc tham gia quyết định tại các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết.

i) Làm đầu mối tập hợp các nguồn lực của các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết để thực hiện đấu thầu và triển khai thực hiện các dự án chung do các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết cùng thỏa thuận và thực hiện.

k) Thực hiện và cung cấp hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp thị, xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế và các hoạt động khác cho các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

l) Phối hợp hình thành, quản lý và sử dụng có hiệu quả các quỹ chung; giám sát tài chính và kiểm soát rủi ro; hỗ trợ hoạt động tài chính cho các doanh nghiệp thành viên khi được các doanh nghiệp này đề nghị.

m) Phối hợp thực hiện các công việc hành chính, các giao dịch với các đối tác cho các doanh nghiệp thành viên khi được các doanh nghiệp này đề nghị; thực hiện nhiệm vụ công ích và các công việc do Nhà nước giao cho Tập đoàn.

n) Thiết lập, kết nối mạng lưới thông tin toàn bộ các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết.

o) Hỗ trợ doanh nghiệp thành viên trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh duy trì và phát triển kinh doanh trong giai đoạn đầu để có khả năng tiến tới cân bằng thu chi.

p) Xây dựng báo cáo tài chính hợp nhất của VIETTEL.

q) Tham vấn các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết trong việc thực hiện các hoạt động chung.

r) Tổ chức việc thực hiện giám sát định hướng, điều hòa, phối hợp giữa các bộ phận trong VIETTEL.

s) VIETTEL, công ty con của VIETTEL được thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh trong mua bán hàng hóa, dịch vụ mà hàng hóa, dịch vụ đó là đầu ra của doanh nghiệp này nhưng là đầu vào của doanh nghiệp khác trong Tập đoàn. Công ty con của VIETTEL có quyền tham gia đấu thầu thực hiện các dự án thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của VIETTEL và các công ty con khác trong Tập đoàn.

t) Các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của Tập đoàn, quy định pháp luật có liên quan, Điều lệ này, Điều lệ các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết và hợp đồng liên kết.

5. VIETTEL và các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình; chịu sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng liên kết, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.

6. Việc phối hợp, định hướng trong Tập đoàn phải phù hợp với quy định của pháp luật; Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết; quyền của chủ sở hữu nhà nước tại VIETTEL hoặc thỏa thuận giữa VIETTEL với các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết; vị trí của VIETTEL đối với từng hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết.

7. Trường hợp VIETTEL lạm dụng vị thế của mình, can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông hoặc trái với các liên kết và thỏa thuận giữa các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn, làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp này, các bên có liên quan, thì VIETTEL và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Viettel sẽ đại diện cho tập đoàn để thực hiện những giao dịch đối với bên thứ ba hoặc các doanh nghiệp thuộc tập đoàn trong phạm vi cho phép, cũng như phối hợp, định hướng hoạt động; xây dựng các Quy chế thống nhất trong Tập đoàn.

Trên đây là nội dung quy định về quản lý, điều hành Tập đoàn thông qua VIETTEL. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 101/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tập đoàn Viễn thông Quân đội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào