Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý

Các hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng Hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Hải Đăng, hiện đang công tác tại Phòng Tư pháp phường Bến Nghé, Quận 1, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Tôi được giao thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho người dân trong phường đối với các vấn đề về dân sự, hộ tịch... Cho tôi hỏi, với vai trò của mình thì tôi có thể bị cấm làm gì không? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (haidang***@gmail.com)

Ngày 01/01/2018, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 chính thức có hiệu lực, theo đó, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. 

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Cụ thể gồm:

a) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

b) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

c) Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

d) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;

đ) Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

e) Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Trợ giúp pháp lý 2017 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào