Tội vi phạm quy định về vệ sinh lao động theo Bộ Luật hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì:
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:
Thứ nhất, khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến sự an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh; xâm phạm đến sức khoẻ, tài sản, tính mạng của công dân.
Thứ hai, chủ thể: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.
Thứ ba, mặt khách quan: Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động, biểu hiện của hành vi vi phạm này là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về vệ sinh công nghiệp.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là phải có hậu quả về tài sản, sức khỏe, tín mạng con người.
Thứ tư, mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Hình phạt áp dụng đối với tội danh này là:
Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (Khoản 2); phạt tù từ 06 năm đến 12 năm (Khoản 3).
Trường hợp, vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung được nêu tại Khoản 5.
Trên đây là nội dung tư vấn về tội vi phạm quy định về vệ sinh lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.
Trân trọng!