Mất hết giấy tờ tùy thân, làm lại cái gì trước?

Do nhà bị cháy, tôi bị mất hết giấy tờ tùy thân và sổ hộ khẩu gốc. Giờ tôi muốn làm lại chứng minh nhân dân thì phải có sổ hộ khẩu hoặc ngược lại. Xin hỏi, tôi phải làm lại giấy tờ nào đầu tiên và thủ tục như thế nào?
Việc đầu tiên cần làm khi bị mất hết các giấy tờ tùy thân là liên hệ với cơ quan công an cấp xã, phường nơi bạn đăng ký thường trú để trình báo về việc mất giấy tờ và làm đơn cớ mất.

Mẫu đơn cớ mất sẽ do cơ quan công an cung cấp. Đơn này có thể bạn phải xuất trình khi đi làm lại một số giấy tờ nếu các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình. Sau đó, bạn có thể thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ hộ khẩu (vì đây là một trong các giấy tờ cơ bản cần có để bạn có thể làm lại các giấy tờ tùy thân khác)

Thủ tục xin cấp lại sổ hộ khẩu

Theo Điều 24 Luật Cư trú quy định về sổ hộ khẩu:

“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.

3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc”.

Thủ tục xin cấp lại sổ hộ khẩu được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014:

“2. Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp trước đây. Hồ sơ đổi, cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

b) Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu số mới).

Cơ quan đăng ký cư trú thu lại sổ hộ khẩu bị hư hỏng hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và đóng dấu hủy để lưu hồ sơ hộ khẩu.

3. Trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải đổi, cấp lại sổ hộ khẩu.

4. Trong quá trình đăng ký thường trú, nếu có sai sót trong sổ hộ khẩu do lỗi của cơ quan đăng ký thì trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký thường trú phải có trách nhiệm điều chỉnh sổ hộ khẩu cho phù hợp với hồ sơ gốc.

5. Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.

6. Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Trưởng công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh là người có thẩm quyền ký sổ hộ khẩu”.

Như vậy, theo quy định vừa trích dẫn ở trên, hồ sơ xin cấp lại sổ hộ khẩu không yêu cầu phải có chứng minh nhân dân. Do đó trong số giấy tờ bị mất, bạn nên làm lại sổ hộ khẩu đầu tiên sau đó mới làm các giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân nếu ở địa phương đã cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân), giấy khai sinh, bằng lái xe, và các giấy tờ khác.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào