Hoạt động thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự được tiến hành thế nào?

Việc tiến hành hoạt động thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực bất động sản. Gần đây, khi theo dõi tin tức, tôi được biết hiện nay tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt các tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện ngày một nhiều. Nếu vậy thì trong quá trình điều tra, việc tiến hành tịch thu phương tiện, dữ liệu điện tử liên quan tới hành vi phạm tội là hoàn toàn cần thiết. Tôi thắc mắc không biết pháp luật hiện hành có quy định về cách thức tiến hành cụ thể ra sao không? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các bạn rất nhiều!  Nguyễn Đăng Anh (anh***@gmail.com)

Việc tiến hành hoạt động thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau: 

1. Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.

2. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.

 

Thời gian qua, những dữ liệu điện tử được thu thập được qua các vụ tấn công của tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông như đã nêu thường được sử dụng có hiệu quả trong công tác trinh sát, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, được chuyển hóa làm chứng cứ có giá trị chứng minh về tội phạm. Loại nguồn chứng cứ này gián tiếp phục vụ chứng minh tội phạm có hiệu quả, thậm chí trong nhiều vụ án chỉ thu được thông tin trong dữ liệu điện tử làm chứng cứ và trong nhiều trường hợp, loại nguồn chứng cứ này có ý nghĩa quyết định đến thành công của hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã công nhận dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ đồng thời đưa ra quy định về thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến loại nguồn chứng cứ này.

Theo đó, phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngày sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào