Quyền của người tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Quyền của người tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được pháp luật quy định thế nào? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Minh Luân, hiện đang làm việc tại xí nghiệp may ở Phường 3 Quận Phú Nhuận, Tp. HCM, có vấn đề thắc mắc muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Chồng tôi bị tạm giam ở trại tạm giam Công an Quận Phú Nhuận Tp. HCM, lần gần đây tôi vào thăm thì thấy chồng tôi bị bầm tím ở nhiều chỗ như tay, mặt và đùi nên biết rằng ảnh bị công an đánh đập nhiều. Tôi muốn tố cáo các cán bộ ở đây nhưng không biết mình có quyền gì khi tiến hành tố cáo như thế này? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (minhluan***@gmail.com)

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khi tiến hành tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì theo Khoản 1 Điều 57 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), người tố cáo có các quyền sau:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của người tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào