Hoạt động nhận biết giọng nói trong tố tụng hình sự được tiến hành thế nào?
Việc tiến hành hoạt động nhận biết giọng nói trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.
Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.
Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.
2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói:
a) Giám định viên về âm thanh;
b) Người được yêu cầu nhận biết giọng nói;
c) Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm;
d) Người chứng kiến.
3. Nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.
4. Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.
Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.
5. Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.
Như chúng ta đã biết, giọng nói là một trong những căn cứ để cơ quan điều tra xác định được người thực hiện hành vi phạm tội. Nhận biết giọng nói là một trong những quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Bên cạnh phương pháp nhận dạng thì nhận biết giọng nói có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều tra người phạm tội.
Đi vào chi tiết giọng nói của từng người bao giờ cũng có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt giọng nói của người này so với giọng nói của người khác. Vì vậy, việc bổ sung nhận biết giọng nói là một biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là hợp lý và cần thiết, nhằm đa dạng hóa các biện pháp điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động nhận biết giọng nói trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật