Ai được quyền hỏi cung bị can?

Thẩm quyền hỏi cung bị can được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Gần đây, khi theo dõi bộ phim "Người phán xử", tôi thấy các trường hợp đối tượng bị bắt và khởi tố bị can phải tham gia khá nhiều buổi hỏi cung, trong đó việc hỏi cung được tiến hành không chỉ bởi 1 người mà có những thời điểm đến 3 người. Tôi thắc mắc, vậy theo quy định pháp luật thì ai có quyền được hỏi cung bị can? Nội dung này tôi có thể xem thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập giúp tôi giải đáp thắc mắc. Xin chân thành cảm ơn!  Nguyễn Vi Diệu (dieu***@gmail.com)

Thẩm quyền hỏi cung bị can được quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

1. Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

..............

4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Liên quan đến nội dung này, để bạn hiểu hơn vấn đề, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:

Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra theo trình tự luật định đối với một người đã bị khởi tố về hình sự (bị can) nhằm làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của họ và của những người đồng phạm. Pháp luật hiện hành không chỉ rõ chủ thể nào có quyền hỏi cung bị can, tuy nhiên, các quy định trên đây chỉ đề cập đến việc hỏi cung bị can của điều tra viên và kiểm sát viên, trong đó chủ yếu là điều tra viên, cho nên ta có thể suy ra, theo quy định hiện nay, chủ thể có thẩm quyền hỏi cung bị can là Điều tra viên, Kiểm sát viên.

Theo đó, khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên phải quán triệt nguyên tắc thận trọng, khách quan, không được dễ tin lời cung. Lời khai của bị can phải được thẩm tra, xác minh kỹ, bảo đảm chính xác và rõ ràng; phải thực hiện đúng thủ tục pháp luật về hỏi cung bị can.

Về thời điểm, khi có quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can, nhằm sớm làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của bị can, giúp cho công tác điều tra, xử lý được nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, việc hỏi cung bị can được tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can sẽ tạo điều kiện cho bị can sớm thực hiện được các quyền đưa ra những chứng cứ và những yêu cầu; tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa v.v…

Về địa điểm, thông thường việc hỏi cung bị can được tiến hành tại trụ sở của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo quy định của điều luật, Điều tra viên cũng có thể hỏi cung bị can tại nơi đang tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

Việc đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can (theo quy định tại Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự) trước khi hỏi cung là một thủ tục bắt buộc mà Điều tra viên phải thực hiện. Việc đó phải được ghi vào biên bản hỏi cung bị can. Thủ tục này không phải thực hiện khi hỏi cung những lần sau.

Nếu vụ án có nhiều bị can thì phải hỏi cung riêng từng bị can và không được để cho các bị can tiếp xúc với nhau để tránh các bị can thông cung, khai báo không đúng sự thật. Vì vậy, Điều tra viên phải sắp xếp thời gian triệu tập bị can để hỏi cung riêng mỗi bị can vào những thời gian khác nhau. Nếu vụ án do nhiều Điều tra viên tiến hành điều tra và cần thiết phải hỏi cung nhiều bị can cùng một thời gian thì phải bố trí các chỗ hỏi cung riêng để các bị can không tiếp xúc được với nhau.

Một vấn đề cần lưu ý là trong nội dung này, pháp luật quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên không được bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can. Theo đó, bức cung là bức ép bị can phải khai báo, khai không đúng sự thật, khai theo ý muốn chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên bằng việc dùng những thủ đoạn, phương pháp hỏi cung trái pháp luật như: Đe dọa dùng nhục hình; đe dọa bắt giam bị can (đang tại ngoại) hoặc người thân của bị can; đe dọa, khống chế về tinh thần v.v… Dùng nhục hình là tra tấn, đánh đập hoặc dùng các thủ đoạn thô bạo khác làm cho bị can bị đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà phải khai báo không đúng sự thật hoặc khai báo theo ý muốn chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên v.v… Điều luật nghiêm cấm bức cung và dùng nhục hình trong khi hỏi cung vì những việc làm trái pháp luật này không những xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm của bị can, mà còn làm sai lệch sự thật vụ án. Điều tra viên, Kiểm sát viên có hành vi bức cung, nhục hình phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền hỏi cung bị can. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào