Pháp luật quy định thế nào về việc lập và thi hành biên bản điều tra vụ án hình sự?
Biên bản điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Biên bản điều tra là văn bản tố tụng được lập theo quy định chung, ghi lại đầy đủ, trung thực nội dung, trình tự diễn biến các hoạt động điều tra đã tiến hành như: hỏi cung; lấy lời khai, bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; xem xét dấu vết trên thân thể; thực nghiệm điều tra; đối chất; nhận dạng… Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng hình sự, những tình tiết được ghi trong biên bản điều tra và biên bản về các hoạt động tố tụng khác được tiến hành theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.
– Biên bản điều tra do Điều tra viên trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra đó lập. Người lập biên bản điều tra còn có thể là cán bộ được phân công điều tra của đơn vị Bộ đội biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Nội dung và hình thức biên bản điều tra được lập theo các quy định chung tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác của Bộ luật này đối với từng loại biên bản của các hoạt động điều tra cụ thể. Hiện nay, biên bản điều tra được lập theo hệ thống các biểu mẫu tố tụng hình sự đã được quy định thống nhất giữa các ngành tư pháp.
Sau khi lập biên bản, Điều tra viên phải đọc lại cho những người tham gia tố tụng nghe; giải thích cho họ biết họ có quyền được bổ sung, sửa chữa và nhận xét về các nội dung đã thể hiện trong biên bản điều tra đã được lập và phải ghi ý kiến bổ sung, sửa chữa hoặc nhận xét đó của người tham gia tố tụng vào biên bản. Điều tra viên và người tham gia tố tụng cùng ký tên vào biên bản. Nếu biên bản điều tra có nhiều trang (như biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai…) và ý kiến bổ sung, sửa chữa hoặc nhận xét của người tham gia tố tụng được ghi ở nhiều trang khác nhau của biên bản thì Điều tra viên và người tham gia tố tụng phải ký xác nhận vào từng điểm đã được sửa chữa, bổ sung hoặc có nhận xét đó.
– Trong trường hợp người tham gia tố tụng từ chối ký vào biên bản điều tra thì Điều tra viên phải phải ghi rõ vào biên bản việc từ chối đó và lý do người tham gia tố tụng từ chối không ký biên bản. Nếu người tham gia tố tụng vì nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì Điều tra viên phải ghi rõ vào biên bản lý do người tham gia tố tụng không thể ký biên bản; Điều tra viên và người chứng kiến hoạt động điều tra đó cùng ký xác nhận.
– Nếu người tham gia tố tụng, người chứng kiến không biết chữ thì phải điểm chỉ vào biên bản; việc điểm chỉ được thực hiện tương tự như các quy định đối với việc ký biên bản.
Trên đây là nội dung tư vấn về biên bản điều tra vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật