Cơ quan nào có thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự?

Thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Dân trí. Thời gian này tôi đang thu thập thông tin về công tác điều tra vụ án hình sự để phục vụ cho công tác viết bài, tuy nhiên, hiện tại tôi còn thiếu một số thông tin. Tôi được biết, hiện nay, pháp luật quy định thời hạn tạm giam để điều tra vụ án tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện và trong một số trường hợp đặc biệt, thời hạn tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra sẽ được gia hạn. Tôi thắc mắc không biết pháp luật hiện hành trao thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra cho cơ quan hay cá nhân nào? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Đình Nguyên (nguyen_jour***@gmail.com

Thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Từ quy định trên đây ta thấy, luật quy định rất rõ ràng rằng loại tội phạm nào thì ra thời gian gia hạn bao nhiêu lần? Số lần gia hạn như thế nào? Và cũng chỉ quy định Viện Kiểm sát cấp nào sẽ ra quyết định gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra trong những trường hợp nào mà không hề quy định có thêm một cơ quan nào khác có thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam phục vụ cho công tác điều tra. Như vậy, chỉ có Viện kiểm sát mới có thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra.

Về tính hợp lý: để đảm bảo tính đồng bộ trong hoạt động giữa các cơ quan, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có những hoạt động đặc thù riêng của mình, trong đó Viện kiểm sát được biết đến với hai hoạt động chính là kiểm sát và công tố. Pháp luật tố tụng hình sự lại quy định chỉ có Viện kiểm sát có quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra nhằm mục đich:

- Để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát của Viện kiểm sát, chỉ những vụ án nào cần thiết phải gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra thì Viện kiểm sát mới ra quyền định gia hạn thông qua việc Cơ quan điều tra gửi yêu cầu gia hạn thời hạn tạm giam phục vụ cho việc điều tra đối với vụ án đó, Viện kiểm sát cần kiểm tra và giám sát xem vụ án đó có cần thiết phải gia hạn hay không? Cơ quan điều tra có thực hiện đúng với quy định của pháp luật hay không? Viện kiểm sát cần phải xem xét cụ thể và sẽ đưa ra quyết định của mình tránh việc chồng chéo thẩm quyền, nếu ai cũng có thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra thì sẽ gây ra rắc rối, và không thống nhất trong công việc giải quyết vụ án một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào