Dấu hiệu tội phạm được xác định dựa trên những căn cứ nào?

Các căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm được quy định thế nào? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật trường Đại học Mở TP.HCM. Trong quá trình học, em gặp một vài vướng mắc mong anh chị giúp đỡ. Cho em hỏi theo quy định hiện nay, dấu hiệu tội phạm được xác định dựa trên những căn cứ nào? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Vũ Ngọc Quyên (quyen_law***@yahoo.com)  

Các căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm được quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

Căn cứ quy định trên, giai đoạn khởi tố vụ án có nhiệm vụ xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, bảo đảm không một tội phạm nào không bị phát hiện, không một người vô tội nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì đều khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp đặc biệt, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 quy định khi xác định “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể...” thì không khởi tố vụ án hình sự mà có thể xử lý bằng các biện pháp khác.

Trên đây là nội dung tư vấn về các căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào