Thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng hình sự được tiến hành như thế nào?

Thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng hình sự được tiến hành như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Hải Anh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Hiện tại, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu thêm về lĩnh vực tố tụng hình sự. Tôi được biết, hiện nay, việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng được tiến hành thông qua một số phương thức phổ biến như: cấp, giao, chuyển trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, niêm yết công khai,...Tôi thắc mắc không biết trường hợp việc chuyển giao văn bản tố tụng bằng phương thức cấp, giao chuyển trực tiếp thì thủ tục được tiến hành cụ thể ra sao? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Ngọc Hải Anh (anh***@gmail.com)

Thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng hình sự được quy định tại Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

1. Người thực hiện việc cấp, giao, chuyển văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được nhận. Người nhận phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận.

2. Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích của họ có đủ năng lực hành vi dân sự ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại ngay cho người được nhận. Ngày ký nhận của người thân thích là ngày được cấp, giao văn bản tố tụng.

Trường hợp không thể giao cho người được nhận văn bản tố tụng quy định tại khoản này thì có thể chuyển giao văn bản đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giao lại cho người được nhận. Cơ quan, tổ chức phải thông báo ngay kết quả việc cấp, giao, gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu. Ngày ký nhận của cơ quan, tổ chức là ngày được cấp, giao văn bản tố tụng.

3. Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng mặt hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, giao, có xác nhận của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc, học tập.

Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc từ chối và có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

4. Trường hợp người được cấp, giao văn bản tố tụng là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng được giao trực tiếp cho người đại diện của cơ quan, tổ chức đó và phải được người này ký nhận. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận.

Về trách nhiệm, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục cấp, giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào