Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng theo Bộ Luật hình sự 2015

Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng theo Bộ Luật hình sự 2015. Xin kính chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Nguyễn Trần Hưng, sống tại Tp.HCM. Hiện nay tôi đang làm việc trong lĩnh vực tài chính nên tôi cần tìm hiểu để biết thêm về tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng theo Bộ Luật hình sự 2015. Nhờ quý cơ quan tư vấn giúp tôi dấu hiệu pháp lý của tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng theo Bộ Luật hình sự 2015. Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***) 

Theo quy định tại Điều 223 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế không đúng quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật về thuế;

b) Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định Luật quản lý thuế và quy định khác của pháp luật về thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát tiền thuế từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:

Khách thể: Xâm phạm các quy định của nhà nước về quản lý thuế bị xâm hại gây ra sự thất thoát, thiệt hại cho tài sản của nhà nước.

Chủ thể: Chủ thể thực hiện tội phạm đối với tội này là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn của bản thân để thông đồng hoặc bao che cho người nộp thuế thực hiện các hành vi phạm tội. Nếu không phải người có chức vụ quyền hạn mà chỉ là sự thông đồng, bao che giữa những người nộp thuế với nhau thì thông thường các chủ thể này là đồng phạm của tội trốn thuế theo quy định tại điều 200 BLHS 2015 chứ không phải là tội thông đồng bào che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt khách quan: Hành vi được xác định là thông đồng, bao che cho người nộp thuế được quy định rõ hai hành vi sau:

- Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế không đúng quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật về thuế;

- Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định Luật quản lý thuế và quy định khác của pháp luật về thuế. 

Hậu quả của hành vi: Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, tức là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mới đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Mặt chủ quan: Lỗi ở đây phải là lỗi cố ý bởi thông đồng và bao che đã thể hiện rõ việc người thực hiện tội phạm nhận thức được hành vi mà bản thân họ thực hiện.

Trên đây là nội dung tư vấn về tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào