Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự bị hủy bỏ khi nào?
Các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Theo đó, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.
Như vậy, ta có thể hiểu một cách đơn giản là bản chất của những biện pháp ngăn chặn chỉ mang tính chất áp dụng tạm thời khi phát sinh căn cứ áp dụng và đến một thời điểm căn cứ áp dụng không còn nữa cũng có nghĩa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn không còn có tác dụng hỗ trợ cho quá trình giải quyết vụ án nên việc quy định các trường hợp hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn là hoàn toàn hợp lý và cần thiết trong tố tụng hình sự nói riêng, trong hoạt động tố tụng nói chung.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật