Ai được quyền bắt người phạm tội quả tang?

Ai được quyền bắt người phạm tội quả tang? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật. Tôi là Thu Ngân, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa trong lĩnh vực kế toán. Thời gian gần đây, khi đọc báo, tôi thấy khá nhiều bài viết đề cập đến việc giải quyết các vụ án hình sự. Trong đó, một vài tài liệu nhắc đến người phạm tội quả tang. Tôi thắc mắc vậy đối với những người này, ai có thẩm quyền bắt họ? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều! Trần Thu Ngân (ngan***@gmail.com)

Thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang được quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Pháp luật hiện hành cũng đồng thời quy định khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Với quy định trên thì về mặt thủ tục, khi bắt không cần phải có lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi bắt, người tiến hành bắt giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải tiếp nhận, lập biên bản giữ người bị bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Cơ quan điều tra khi tiếp nhận người bị bắt phải lập biên bản bàn giao theo mẫu quy định đồng thời phải lấy ngay lời khai của người bị bắt và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị bắt phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt

Riêng đối với người bị bắt do bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra nhạn người bị bắt phải thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để đến nhận người bị bắt và ra quyết định đình nã. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra tiếp nhận người bắt phải ra quyết định tạm giữ và thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết. Cơ quan ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam, gửi lệnh đến cơ quan điều tra – cơ quan điều tra khi nhận được lệnh tạm giam có trách nhiệm giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, bất cứ chủ thể nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang bởi tại thời điểm bị bắt, hành vi phạm tội của người bị bắt được bộ lộ một cách rõ ràng, không nhất thiết phải qua điều tra, thu thập chứng cứ và xin lệnh bắt giữ. Việc bắt người lúc này nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội cũng như hành vi trốn tránh pháp luật, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án của người phạm tội, đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi.. Do đó, chủ thể thực hiện việc bắt người có thể là cơ quan chức năng cũng đồng thời có thể là công dân bình thường. 

Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phạm tội quả tang

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào