Tiêu chuẩn nâng cao chất lượng trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học bao gồm những tiêu chí nào?
Tiêu chuẩn nâng cao chất lượng trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 15 Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, theo đó:
1. Tiêu chí 12.1: Xây dựng kế hoạch liên tục nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục bao gồm các chính sách, hệ thống, quy trình, thủ tục và nguồn lực để thực hiện tốt nhất hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
2. Tiêu chí 12.2: Các tiêu chí lựa chọn đối tác, các thông tin so chuẩn và đối sánh để nâng cao chất lượng hoạt động được thiết lập.
3. Tiêu chí 12.3: Thực hiện việc so chuẩn và đối sánh nhằm tăng cường các hoạt động đảm bảo chất lượng và khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
4. Tiêu chí 12.4: Quy trình lựa chọn, sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được rà soát.
5. Tiêu chí 12.5: Quy trình lựa chọn, sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được cải tiến để liên tục đạt được các kết quả tốt nhất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra liên quan tới vấn đề này chúng tôi gửi đến bạn những thông tin sau:
Từ năm 2004 giáo dục đại học hướng vào mục tiêu đào tạo 400 SV/10.000 dân để theo kịp với nhiều nước xung quanh và trên thế giới. Hậu quả là nhiều người đậu cử nhân, hay cao học với chất lượng kém. Nó đưa đến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gia tăng, chỉ riêng từ quý II cho tới hết quý IV năm 2015 đã tăng lên 26.000 người. Theo thống kê do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện: Vào tháng 7/2015 con số này được xác định là 178.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Chỉ 6 tháng sau, con số này đã là 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Trong bài phát biểu tại hội thảo "Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức sáng 21/10/2016, bà Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) nêu lên vấn đề, dường như có sự chênh lệch giữa đào tạo ĐH với những gì xã hội thực sự cần: "Có doanh nghiệp (DN) nước ngoài nói rằng phải mất 2 năm để xoá bớt những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần... Hiện tại chúng ta lại đang chứng kiến hàng ngàn cử nhân thất nghiệp. Trong lúc đó, các DN lại phải phàn nàn họ không có đủ người làm việc cho họ".
Trên đây là tư vấn về tiêu chuẩn nâng cao chất lượng trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật