Khi nào thì lời khai của nguyên đơn, bị đơn dân sự không được xem là chứng cứ trong vụ án hình sự?
Như chúng ta đã biết, theo quy định pháp luật hiện hành, lời khai, lời trình bày là một trong những nguồn chứng cứ được dùng làm căn cứ giải quyết các vụ án hình sự. Theo đó, đối với nguyên đơn, bị đơn trong vụ án hình sự có chứa tranh chấp dân sự, trình bày những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào lời khai của nguyên đơn, bị đơn dân sự cũng có giá trị được xem là chứng cứ. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì:
Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Trên thực tế, cũng tương tự như lời khai của người làm chứng hay của bị hại, lời khai của nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự cũng có thể có giá trị được xem như là chứng cứ, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết vụ án. Tuy nhiên, lời khai của nguyên đơn, bị đơn dân sự trên thực tế có thể sẽ không đảm bảo được tính xác thực của chứng cứ. Bởi lẽ, có những trường hợp nguyên đơn, bị đơn khai báo thông tin không đúng sự thật: có thể trên thực tế có những tình tiết như nguyên đơn, bị đơn dân sự khai báo nhưng đã bị bóp méo theo ý chí chủ quan của họ hoặc không hề có tình tiết đó nhưng bản thân họ đã cố tình xuyên tạc hay làm giả để vu khống hoặc có thể là bao che cho người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Do vậy, đối với trường hợp nguyên đơn, bị đơn dân sự trình bày về những điều họ biết liên quan đến vụ án nhưng bản thân họ không xác định và trình bày được rõ ràng nguồn gốc vì sao họ biết đến những tình tiết đó thì lời khai của họ không được xem là chứng cứ.
Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp lời khai của nguyên đơn, bị đơn dân sự không được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật