Lời khai của người bị hại có giá trị thế nào trong vụ án hình sự?
Lời khai của người bị hại được quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Bị hại trình bày những tình tiết về nguồn tin về tội phạm, vụ án, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội và trả lời những câu hỏi đặt ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự thì lời khai, lời trình bày được xem là một trong những nguồn chứng cứ, như vậy thì sẽ bao gồm lời khai của người bị hại. Cho nên, để xác định giá trị lời khai của người bị hại đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự thì trước hết, nó có giá trị làm chứng cứ để giải quyết vụ án nếu lời khai đảm bảo tính xác thực, người khai nói rõ được nguồn gốc tình tiết mà mình biết được theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào lời khai của người bị hại cũng có giá trị sử dụng làm chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Theo đó, đối với những trường hợp lời khai của người bị hại không đảm bảo tính xác thực, khách quan, cụ thể là họ không giải thích rõ được nguồn gốc, vì sao mình biết được tình tiết đó thì lúc này, bản thân họ là người cung cấp thông tin liên quan, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tuy nhiên, lời khai của họ không đảm bảo các tiêu chí theo quy định pháp luật tố tụng, do vậy không có giá trị trở thành nguồn chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn về giá trị lời khai của bị hại đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật