Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền gì?

Quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có quan tâm đến mảng tố tụng hình sự. Trong đó, tôi gặp một vài vướng mắc mong được hỗ trợ. Tôi nghe nói, một người khi bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố, họ được pháp luật trao cho quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tôi thắc mắc vậy những người thực hiện vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có những quyền gì theo quy định pháp luật? Nội dung này được quy định tại văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều! Nguyễn Đình Dũng (dung****@gmail.com)

Đối với thắc mắc của bạn, trước hết, cần xác định: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được quy định tại Khoản 3 Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm: 

a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Theo quy định pháp luật hiện hành, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: Luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hoặc trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh việc thực hiện các quyền nêu trên, trong quá trình tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, pháp luật cũng đồng thời yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp phải sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án đồng thời giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào