Luật sư gặp thân chủ đang bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình giấy tờ gì?

Luật sư gặp thân chủ đang bị tạm giữ, tạm giam phải xuất trình giấy tờ gì? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật Kinh tế trường Đại học Tây Đô. Trong quá trình học em gặp một vài vướng mắc liên quan đến mảng tố tụng hình sự mong được anh chị giúp đỡ. Em được biết, các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự đều được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa cho mình. Em thắc mắc, vậy trong quá trình bào chữa, luật sư muốn gặp thân chủ đang bị tạm giữ, tạm giam thì có phải xuất trình giấy tờ gì không ạ? Nội dung này được quy định tại văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Em xin cảm ơn! Trần Minh Hiếu (hieu***@gmail.com)

Các giấy tờ mà luật sư phải xuất trình khi có nhu cầu gặp thân chủ đang bị tạm giữ, tạm giam được quy định tại Khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Đây là những loại giấy tờ để chứng minh tư cách bào chữa của người bào chữa là đúng với quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình bị can, bị cáo nhờ người bào chữa cho mình. Theo đó, cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về các giấy tờ mà luật sư phải xuất trình khi có nhu cầu gặp thân chủ đang bị tạm giữ, tạm giam. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Luật sư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào