Khi nào việc đăng ký bào chữa trong vụ án hình sự bị hủy bỏ?

Các trường hợp việc đăng ký bào chữa trong vụ án hình sự bị hủy bỏ được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Dân trí. Hiện tại tôi đang thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề về người bào chữa trong các vụ án hình sự. Tôi được biết, người bào chữa để được tham gia tố tụng tại tòa phải tiến hành đăng ký bào chữa. Cho tôi hỏi vậy có trường hợp nào sau khi thực hiện việc đăng ký bào chữa, người đăng ký bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa hay không? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều! Vũ Ngọc Tân (tan***@gmail.com)

Các trường hợp việc đăng ký bào chữa trong vụ án hình sự bị hủy bỏ được quy định tại Khoản 7 Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

Cụ thể là: 

- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp việc đăng ký bào chữa trong vụ án hình sự bị hủy bỏ. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào