Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo Bộ Luật hình sự 2015

Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo Bộ Luật hình sự 2015? Tôi tên là Anh Khoa, công tác tại Huế. Nhờ quý cơ quan tư vấn giúp tôi dấu hiệu pháp lý và hình phạt áp dụng đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo Bộ Luật hình sự 2015. Mong nhận được câu trả lời từ quý cơ quan. Tôi xin chân thành cảm ơn. (0905***)  

Theo quy định tại Điều 193 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

...

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

- Giải thích: 

Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm được hiểu là hành vi làm ra sản phẩm, hàng hoá là các đối tượng nêu trên một cách trái phép giống như những sản phẩm hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường (tức hàng thật) gây nhầm lẫn hoặc để lừa dối khách hàng.

Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm được hiểu là hành vi mua hàng là các đối tượng nêu trên mà mình biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho khách hàng với giá của hàng thật.

- Dấu hiệu pháp lý: 

Khách thể: Xâm phạm đến chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, người sản xuất.

Chủ thể: Là bất kỳ ai đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm nhằm thu lợi bất chính.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

- Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại:

Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015. Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào