Người định giá tài sản trong vụ án hình sự có những nghĩa vụ gì?
Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định: Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của người định giá tài sản được quy định tại Khoản 3 Điều 69 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.
Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (hư hỏng, huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép,...) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại. Mà bản thân các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại không đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn về định giá để tự mình thực hiện hết toàn bộ các giai đoạn, thủ tục phục vụ cho việc giải quyết các vụ án đòi hỏi phải tiến hành hoạt động định giá. Do vậy, người định giá được xác định có vai trò hết sức quan trọng trong công tác hỗ trợ cho quá trình giải quyết án hình sự nói riêng và các vụ việc liên quan đến tài sản nói chung trên tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh việc thực hiện các nghĩa vụ trên, trong quá trình tham gia tố tụng, người định giá cũng đồng thời được pháp luật trao cho các quyền sau:
- Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá;
- Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá;
- Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;
- Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động định giá được tiến hành khách quan, chính xác, người định giá tài sản phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn về nghĩa vụ của người định giá tài sản trong vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật