Những người nào không được phép làm người giám định trong vụ án hình sự?
Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định: Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Các trường hợp người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi được quy định tại Khoản 5 Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định.
Hiện nay, giám định tư pháp là biện pháp hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng không chỉ trong hoạt động tố tụng hình sự mà còn giúp ích không nhỏ cho quá trình giải quyết các vụ án hành chính, dân sự. Trong đó, lĩnh vực TTHS là lĩnh vực nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ phía hoạt động giám định tư pháp, với mục đích phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án hình sự chính xác và khách quan. Sở dĩ, hoạt động giám định tư pháp có thể thực hiện được nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động TTHS nói riêng, là vì có sự kết hợp giữa khoa học kĩ thuật và nghiệp vụ chuyên môn giám định vào hoạt động giải quyết các vấn đề được trưng cầu.
Sự kết hợp trên không mặc nhiên được áp dụng vào hoạt động giải quyết án, mà cần có sự tham gia trực tiếp của một nhân tố quan trọng, đó là chủ thể người giám định. Đây là một nhân tố hiện đang được quan tâm xây dựng hoàn thiện trong quá trình đổi mới hoạt động giám định. Người giám định là người trực tiếp thực hiện vai trò hỗ trợ cho quá trình giải quyết các vấn đề trong các lĩnh vực tố tụng. Đặc biệt trong lĩnh vực TTHS, sự tham gia hỗ trợ trực tiếp từ phía Người giám định là một trong những yếu tố quan trọng, giúp CQTHTT trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, chính xác và khách quan.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người giám định phải chủ động từ chối việc tiến hành giám định hoặc bị thay đổi bởi cơ quan trưng cầu giám định. Những căn cứ này cho thấy nếu tiến hành giám định thì bản thân hành vi của người giám định sẽ không đảm bảo nguyên tắc khách quan, chính xác, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết và kết quả vụ án. Lúc này, hoạt động giám định không còn được xem là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho việc giải quyết án hình sự nữa mà đã làm cho bản chất các tình tiết của vụ án diễn biến theo một hướng hoàn toàn khác so với sự thật. Do vậy, việc quy định những trường hợp người giám định dù thực hiện chức năng giám định nhưng không được tham gia vào hoạt động giám định như trên là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật