Ai có quyền thay đổi Hội thẩm tại phiên tòa hình sự?

Thẩm quyền ra quyết định thay đổi Hội thẩm tại phiên tòa hình sự được quy định thế nào? Em là sinh viên trường Đại học Ngân hàng. Hiện tại, em đang tìm thông tin để hoàn thành bài tiểu luận môn Pháp luật đại cương. Trong đó, khi tìm hiểu về các trường hợp thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, em được biết, một số trường hợp đặc biệt, Hội thẩm được phân công xét xử vụ án hình sự phải chủ động từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi. Vậy, trường hợp tại phiên tòa phát sinh căn cứ buộc phải thay đổi Hội thẩm thì ai là người được quyền ra quyết định thay đổi? Nội dung này được quy định tại văn bản nào? Rất mong Ban biên tập giải đáp thắc mắc giúp em. Cảm ơn Quý anh chị rất nhiều!  Trần Nhật Tùng (tung***@gmail.com)

Thẩm quyền ra quyết định thay đổi Hội thẩm tại phiên tòa hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể:

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ vấn đề, Ban biên tập xin cung cấp thêm một số thông tin như sau: 

Theo quy định pháp luật hiện hành, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người được trao thẩm quyền tiến hành tố tụng, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này; Cụ thể là: 

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Việc thay đổi Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền ra quyết định thay đổi Hội thẩm tại phiên tòa hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hội thẩm

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào