Có quyền giữ xe máy của con nợ không chịu trả tiền không?
Theo quy định tại Điều 430 Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”. Đối chiếu với trường hợp này, giữa bạn và người mua hàng đã hình thành một hợp đồng mua bán tài sản.
Bên cạnh đó, Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả tiền như sau:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản, thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền, bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 vừa trích dẫn ở trên và theo Bộ Luật tố tụng dân sự 2015: trong trường hợp người mua hàng của bạn vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận của hai bên, bạn có có khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Pháp luật hiện hành không cho phép việc giữ tài sản của người khác để buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc khấu trừ nợ nếu chưa được sự đồng ý của họ. Đối chiếu với trường hợp của bạn, tùy thuộc vào hành vi, tính chất của vụ việc và giá trị của chiếc xe máy, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể như sau:
“1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…”.
Thư Viện Pháp Luật