Tổ chức thu phí cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải nộp tiền theo tỷ lệ như thế nào vào ngân sách nhà nước?
Tỷ lệ nộp tiền phí của tổ chức thu phí cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại vào ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 59/2017/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực ngày 01/08/2017, theo đó:
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định trên đây chúng tôi sẽ nêu cụ thể để bạn hiểu rõ vấn đề cần giải đáp. Tổ chức thu phí cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải nộp toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước chứ không được giữ lại. Các khoản chi phí liên quan tới hoạt động thẩm định thì đã được nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức theo chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật. Do đó tổ chức không được quyền lấy khoản tiền phí thu được từ cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để chi mà phải nộp lại toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra liên quan tới vấn đề này chúng tôi gửi đến bạn những thông tin sau:
Thủ tục đăng ký cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT như sau:
1. Đơn vị chủ trì giải quyết: Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường
2. Thành phần hồ sơ: Tổ chức, cá nhân đăng ký nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi bộ hồ sơ bao gồm:
- 01 Đơn đăng ký hành nghề quản lý CTNH (cấp lần đầu) theo mẫu (Quy định tại Phụ lục 5(A.1) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT);
- 01 bản sao đánh giá tác động môi trường hoặc giấy tờ thay thế theo quy định tại Phụ lục 5 B.1;
- 01 bản sao văn bản về quy hoạch có nội dung quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt;
- Các giấy tờ pháp lý đối với trạm trung chuyển CTNH (nếu có) (Phụ lục 5 (B.1);
- Các mô tả, hồ sơ theo mẫu (Phụ lục 5 (B.1);
- Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo mẫu (Phụ lục 5C). Kế hoạch vận hành thử nghiệm được đóng quyển riêng với bộ hồ sơ đăng ký (có thể nộp đồng thời hoặc sau thời điểm nộp hồ sơ).
c. Thời hạn trả kết quả:
- Thời hạn trả lời tính hợp lệ của hồ sơ: 10 ngày làm việc.
- Thời hạn chấp thuận kết hoạch vận hành thử nghiệm: 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hơp lệ.
- Thời hạn trả kết quả sau khi nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung: 20 ngày làm việc.
Trên đây là tư vấn về tỷ lệ nộp tiền phí của tổ chức thu phí cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại vào ngân sách nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 59/2017/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật