Xử phạt hành vi hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã

Xử phạt như thế nào đối với hành vi hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Đan Nghị. Tôi đang làm việc tại Trung tâm bảo vệ thực vật miền Bắc. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể là nếu tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (nghi.nghiem***@gmail.com)

Xử phạt hành vi hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật với Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại Điều 5 Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT như sau:

1. Nộp hồ sơ

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt địa chỉ giao dịch.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra ngay khi nhận hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ để thẩm định trong trường hợp hồ sơ hợp lệ; trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp không hợp lệ.

c) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

2. Hồ sơ bao gồm

a) 02 (hai) bản đơn đề nghị xác nhận hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật (đối với dịch vụ thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật);

c) Bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) một trong những giấy tờ xác định địa chỉ giao dịch:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhà ở gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; Hợp đồng thuê nhà hợp pháp còn hiệu lực tối thiểu là 01 (một) năm; Sổ hộ khẩu (đối với cá nhân).

3. Thẩm định hồ sơ và xác nhận hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo đúng quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đồng ý cho tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật vào đơn đề nghị xác nhận hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về xử phạt hành vi hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ủy ban nhân dân xã

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào