Người bị tạm giam chết giải quyết thế nào?

Người bị tạm giam chết giải quyết thế nào? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng Hỏi - đáp pháp luật, tôi tên là Thanh Tâm, vừa tốt nghiệp trường Học viện Kiểm sát Hà Nội vào tháng 04/2017. Sau khi công tác, tôi được chỉ định công tác ở Viện kiểm sát nhân dân Quận Hoàn Kiếm. Hôm đầu tháng 05/2017, ở địa bàn đơn vị tôi công tác có xảy ra một vụ việc. Chuyện là có một người bị bắt tạm giam vì tội buôn bán ma túy, đang trong giai đoạn khởi tố điều tra thì người này bị lên cơn nghiện rồi trúng gió chết trong trại tạm giam. Tôi muốn hỏi, trường hợp này trại tạm giam có trách nhiệm gì? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn! (thanhtam***@gmail.com)

Người bị tạm giam chết trong thời gian tạm giam là một trường hợp rất nghiêm trọng, cần phải cân nhắc, giải quyết tốt nếu không sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc. Theo Điều 26 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì trại tạm giam có trách nhiệm sau:

1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.

2. Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

3. Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.

Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.

4. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.

5. Kinh phí liên quan tới việc an táng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

6. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trên đây là nội dung tư vấn về giải quyết khi người bị tạm giam chết. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào