Những trường hợp nào phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự?

Các trường hợp nào phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự được quy định thế nào? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Đình Vũ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nha Trang. Thời gian gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu thêm về hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, tôi được biết, trong quá trình giải quyết vụ án, có những lúc Thẩm phán hay Thư ký Tòa án bị thay đổi vì một lý do nào đó. Cho tôi hỏi, theo quy định pháp luật thì trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, những trường hợp nào những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi? Có văn bản nào quy định vấn đề này hay không? Rất mong Ban biên tập giải đáp thắc mắc giùm tôi. Xin cảm ơn rất nhiều! Võ Huyền Thanh (thanh***@gmail.com)

Các trường hợp nào phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Như chúng ta đã biết, bảo đảm tính vô tư của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì họ không được tiến hành tố tụng. Điều luật đang bình luận quy định cụ thể những trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng. Việc thay đổi do người tiến hành tố tụng từ chối tiến hành tố tụng hoặc do có đề nghị thay đổi của những người có thẩm quyền do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.

–  Khoản 1 Điều 49 không cho phép một người cùng một lúc vừa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án), vừa tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; hoặc là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo. Những người thân thích của những người tiến hành tố tụng hoặc của bị can, bị cáo là những người có quan hệ họ hàng gần với những người đó như: ông, bà nội, ngoại; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; vợ, chồng; anh, chị em, ruột; anh, chị, em nuôi; anh chị em vợ hoặc chồng; cô, dì, chú, bác, cậu; con, cháu của cô, dì, chú, bác, cậu.

–  Theo khoản 2 Điều 49, những người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia trong tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó.

–  Khoản 3 Điều 49 quy định những trường hợp khác phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng. Đó là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng những người tiến hành tố tụng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Những căn cứ rõ ràng đó có thể là: người tiến hành tố tụng có mối quan hệ mật thiết về công vụ, về kinh tế, về gia đình với người có lợi ích được giải quyết trong vụ án hoặc có mâu thuẫn nghiêm trọng với người đó…

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào