Xử phạt hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng của người khác để hành nghề
Xử phạt hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng của người khác để hành nghề được quy định tại Điểm d Khoản 1 và Điểm a Khoản 4 Điều 18 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng của người khác để hành nghề, bao gồm các giấy tờ sau:
d) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
…
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
Liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Điều 24 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT như sau:
1. Cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại điểm 5 khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nộp một (01) bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 19 của Thông tư này;
b) Bản sao chụp Chứng minh thư nhân dân;
c) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao chứng thực hoặc bản chính xuất trình để đối chiếu);
d) Bản sao chụp Chứng chỉ đào tạo về quyền đối với giống cây trồng hoặc bản chính của một trong các tài liệu sau: Giấy xác nhận của cơ sở đào tạo về việc người nộp hồ sơ đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học, sau đại học về đề tài quyền đối với giống cây trồng hoặc bản sao luận văn tốt nghiệp và có bản chính để đối chiếu; Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp hồ sơ đã trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký bảo hộ tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng hoặc đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm (05) năm trở lên.
đ) 02 ảnh 3x4;
e) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt.
2. Trình tự, thời gian giải quyết:
a) Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Cục Trồng trọt thông báo cho người nộp hồ sơ, có nêu rõ lý do.
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục trưởng Cục trồng trọt ký quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề cho người có hồ sơ hợp lệ và có tên trong danh sách đạt yêu cầu về kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện quyền đối với giống cây trồng và công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng của người khác để hành nghề thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân sẽ bị buộc nộp lại số lợi, lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm đó.
Trên đây là nội dung tư vấn về xử phạt hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng của người khác để hành nghề. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật