Nhiệm vụ quyền hạn của Thư ký Tòa án trong tố tụng hình sự
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 47 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
b) Phổ biến nội quy phiên tòa;
c) Báo cáo Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt;
d) Ghi biên bản phiên tòa;
đ) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án, để bạn hiểu rõ hơn, chúng tôi xin gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Thư ký Tòa án là một chức danh tư pháp, thực hiện công vụ tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo sự phân công của Chánh án hoặc Chánh tòa. Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức và hoạt động của các Tòa án cấp giám đốc thẩm thì chức năng nhiệm vụ của Thư ký Tòa án do các Thẩm tra viên thực hiện với một số phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định riêng cho Thẩm tra viên.
Khi được phân công tham gia giải quyết vụ án, Thư Ký Tòa án là người tiến hành tố tụng; nhiệm vụ quyền hạn của Thư ký Tòa án do luật tố tụng của các lĩnh vực quy định (hành chính, dân sự, hình sự). Trong quá trình tham gia tố tụng với chức năng là người giúp việc cho Thẩm phán và Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án có nghĩa vụ thực hiện các công việc theo sự phân công, điều hành của Thẩm phán và phải báo cáo với Thẩm phán về kết quả thực hiện công việc được phân công.
Tại Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm, nhiệm vụ và kỹ năng của Thư ký Tòa án về cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau chủ yếu về phạm vi, nội dung của các hoạt động tố tụng cụ thể và do tính chất của mỗi cấp xét xử quyết định.
Về trách nhiệm, Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về hành vi của mình. Như vậy, căn cứ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án trong hoạt động tố tụng hình sự, có thể nói mặc dù không được tham gia xét xử, tuy nhiên, Thư ký vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, thực hiện chức năng như cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật