Trường hợp nào không được thăm gặp người bị tạm giữ?

Trường hợp nào không được thăm gặp người bị tạm giữ? Xin chào các chuyên gia của Ngân hàng hỏi đáp pháp luật, tôi tên là Lam Hồng, hiện đang làm nhân viên văn phòng tại Tp. HCM, có một vấn đề về pháp lý muốn nhờ các chuyên gia tư vấn. Chú út tôi hiện đang ở trọ và làm việc tại Tân Bình. Tháng trước, có một người trong khu nhà trọ bị mất cắp một chiếc xe máy cùng một laptop và một số tiền lớn. Người ta vu cho chú tôi là người ăn cắp. Hiện giờ, chú đã bị bắt tạm giữ ở trụ sở công an phường để điều tra. Bà nội của tôi rất lo lắng, đã chạy đến muốn gặp chú út trong nhà tạm giữ nhưng không được vì bà không mang theo giấy tờ tùy thân. Cho tôi hỏi, người quản lý nhà tạm giữ không cho gặp trong trường hợp này có đúng không? Mong các chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (lamhong***@gmail.com)

Bà của bạn không mang theo giấy tờ tùy thân thì bị người quản lý nhà tạm giữ từ chối cho thăm gặp chú của bạn là đúng quy định. Vì theo Khoản 4 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì:

Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:

a) Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

b) Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;

c) Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;

d) Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

đ) Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;

e) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;

g) Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;

h) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp không được thăm gặp người bị tạm giữ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào