Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trích xuất phạm nhân phục vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm
Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trích xuất phạm nhân phục vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể là:
Cơ quan, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân để phục vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu nơi đã xét xử sơ thẩm để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất.
Các cơ quan tiến hành tố tụng (Hội đồng xét xử), người tiến hành tố tụng (thẩm phán) thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương khi cần trích xuất phạm nhân để phục vụ công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải gửi văn bản yêu cầu ghi nhận thông tin về phạm nhân cần trích xuất, ngày bị bắt, tội danh, thời hạn bị phạt tù, mục đích trích xuất, thời hạn trích xuất, đơn vị được phân công áp giải và nơi giam giữ sau khi nhận phạm nhân trích xuất đến cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu nơi đã xét xử sơ thẩm để Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét quyết định trích xuất.
Sau khi nhận được yêu cầu trích xuất phạm nhân hợp lệ từ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu và tương đương xem xét ra quyết định trích xuất phạm nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền giải quyết yêu cầu trích xuất phạm nhân phục vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư liên tịch 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật