Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Bộ Luật hình sự 2015

Hình phạt áp dụng đối với tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định như thế nào theo Bộ Luật hình sự 2015? Tôi tên là Hoàng, công tác tại Bình Thuận. Cho tôi hỏi mức hình phạt đối với tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân trong Bộ Luật hình sự 2015. Mong nhận được câu trả lời từ quý cơ quan. Tôi xin chân thành cảm ơn. (0905***) 

Theo quy định tại Điều 167 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, theo quy định này thì hình phạt áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân là: 

- Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm

Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm quyền tự do

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào