Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định thế nào?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hiện tại, em đang quan tâm đến hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Trong đó, em thắc mắc với cương vị là người đứng đầu một Tòa án thì trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Chánh án được trao những nhiệm vụ, quyền hạn nào? Vấn đề này em có thể tìm thêm thông tin tại văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Trần Minh Thuận (thuan***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm: 

a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;

b) Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

c) Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

d) Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

đ) Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;

e) Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.

Liên quan đến nội dung này, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chánh án Tòa án trong hoạt động tố tụng hình sự. Cụ thể bao gồm:

- Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;

- Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;

- Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;

- Ra quyết định thi hành án hình sự;

- Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;

- Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

- Quyết định xoá án tích;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.

Về trách nhiệm, Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình đồng thời không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tòa án nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào