Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên trong tố tụng hình sự
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 43 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:
a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;
b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
c) Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.
Về trách nhiệm, Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.
Liên quan đến nội dung này, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:
Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Kiểm tra viên có các ngạch sau đây: Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật