Trường hợp nào phải trích xuất người bị tạm giữ?
Đầu tiên, trích xuất được định nghĩa theo Khoản 5 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.
Các trường hợp được trích xuất người bị tạm giữ được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Cụ thể như sau:
Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:
a) Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
b) Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
c) Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
d) Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp phải trích xuất người bị tạm giữ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để hiểu rõ nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật