Trách nhiệm của Công an cấp xã trong trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của người bị hại

Trách nhiệm của Công an cấp xã trong trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của người bị hại hoặc người thân thích của người bị hại được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Khả Tú, hiện đang là sinh viên đại học. Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan điều tra trên cả nước trong hoạt động điều tra hình sự. Cho tôi hỏi, trong hoạt động điều tra hình sự, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi phạm tội của người bị hại hoặc của người thân thích của người bị hại thì Công an xã phải giải quyết như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Khả Tú (khatu*****@gmail.com)

Trách nhiệm của Công an cấp xã trong trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của người bị hại hoặc người thân thích của người bị hại được quy định tại Khoản 3 Điều 28 Thông tư 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân. Cụ thể là:

Trường hợp người bị hại hoặc người thân thích của họ trực tiếp đến Công an cấp xã, đồn, trạm Công an để trình báo về việc mình hoặc người thân thích bị xâm hại (xảy ra trên địa bàn Công an cấp xã, đồn, trạm Công an quản lý) thì hướng dẫn họ làm đơn trình báo, lập biên bản tiếp nhận đơn trình báo, tiến hành ngay hoạt động kiểm tra, xác minh ban đầu, nếu xác định đó là tố giác về tội phạm thì chuyển ngay tố giác về tội phạm cùng các tài liệu có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) là bộ phận công an không chính quy trong Công an nhân dân Việt Nam, nhưng lực lượng này vẫn thuộc là một thành phần chính thức trong hệ thống tổ chức của Công an Nhân dân Việt Nam; Công an xã, phường, thị trấn là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở..., Công an xã, phường, thị trấn được bố trí tại các xã, phường và thị trấn (nơi không bố trí được lực lượng công an chính quy) để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Khi nhận được trình báo về việc mình hoặc người thân thích bị xâm hại của người dân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý thì Công an cấp xã phải hướng dẫn người dân làm đơn trình báo theo quy định của pháp luật, tiếp nhận trình báo, nhanh chóng tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh ban đầu về hành vi được trình báo. Trong quá trình kiểm tra xác minh, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì nhanh chóng chuyển ngay tố giác về tội phạm và các tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp xét thấy cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì giải ngay người đó về trụ sở cơ quan, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lập biên bản, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của về trách nhiệm của Công an cấp xã trong trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của người bị hại hoặc người thân thích của người bị hại. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư 28/2014/TT-BCA.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào