Gây thương tích cho người nghi ăn trộm sẽ bị xử lý thế nào?

Mấy hôm trước, tôi và người em họ ngồi chơi ở đường làng thì có tiếng hô hoán báo có người trộm chó. Thấy hai thanh niên đèo nhau bằng xe máy phóng qua trước mặt, phía sau có người truy đuổi, em tôi cầm một hòn gạch ném trúng vào mắt một người. Thấy anh ta bị thương nặng, anh em tôi đưa đi bệnh viện cấp cứu mà không báo công an . Bác sĩ cho biết vùng mắt phải phẫu thuật với chi phí 80 triệu đồng, tỷ lệ thành công 50/50. Bây giờ, gia đình anh ta yêu cầu phía em tôi bồi thường 200 triệu đồng nếu không sẽ đưa ra pháp luật. Hai thanh niên không nhận là đi trộm chó nhưng cho rằng do bị hô hoán, sợ bị đánh nên bỏ chạy. Chó nhà bác kia cũng chưa bị mất. Tôi muốn hỏi là nếu đưa ra pháp luật, trường hợp xấu nhất mà em tội là gì? Tôi có liên đới không?
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự, hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên thì là phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Đối với sự việc bạn nêu, giả sử kẻ trộm chó đã và đang bỏ chạy thì hành động phạm tội đã chấm dứt. Do vậy, việc ném gạch nhằm gây thương tích (dù chỉ để nhằm bắt giữ) không còn là phòng vệ chính đáng. Tùy theo mức độ hậu quả mà người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc người bỏ chạy có phải là kẻ trộm hay không không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự với người có hành vi tấn công.

Về mức độ thương tật, theo quy định tại Điều 104 (Bộ luật Hình sự), người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản này (gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; đối với trẻ em; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm…

Để có căn cứ xác định mức độ tổn hại sức khỏe, cơ quan điều tra sẽ đề nghị cơ quan chuyên môn giám định để xác định tỷ lệ thương tật của người bị hại.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi của mình gây ra, bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra, người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.  

Trường hợp em bạn gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự thì em của bạn vẫn phải bồi thường thiệt hại như đã viễn dẫn đối với người bị hại.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào