Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được pháp luật quy định như thế nào?
Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 60 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2016 hợp nhất Luật quản lý thuế do Văn phòng Quốc hội ban hành như sau:
a) Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
b) Các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau:
- Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ trường hợp đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn hai năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế;
- Hàng hóa, dịch vụ không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
- Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế; hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được pháp luật quy định thành hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất là hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, thứ hai là trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập về việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được pháp luật quy định. Để hiểu rõ hơn và chi tiết về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật