Xử phạt hành vi sử dụng bằng bảo hộ đã bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng

Xử phạt như thế nào đối với hành vi sử dụng bằng bảo hộ đã bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Công Danh. Tôi đang làm việc tại Trung Tâm Cây Giống Đại Học Nông Nghiệp. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể là nếu tổ chức, cá nhân sử dụng bằng bảo hộ giống cây trồng đã bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi hy vọng sớm nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (0126***) 

Xử phạt hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 13 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã hết hiệu lực, bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Theo đó, Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009 quy định về việc huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng như sau:

1. Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên, trừ trường hợp quyền đối với giống cây trồng được chuyển lại cho người có quyền đăng ký;

b) Giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng;

c) Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký thực hiện.

2. Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối huỷ bỏ hoặc ra quyết định huỷ bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

3. Trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng bị huỷ bỏ, mọi giao dịch phát sinh trên cơ sở giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ đó bị vô hiệu. Việc xử lý giao dịch vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ hiệu lực đó sẽ bị tịch thu.

Trên đây là nội dung tư vấn về xử phạt hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền đối với giống cây trồng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào