Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Ngọc Dung, hiện đang sinh sống và làm việc tại huyện Ba Tri, Bến Tre. Gần đây, khi tìm hiểu về lĩnh vực tố tụng hình sự, tôi được biết, để giải quyết một vụ án hình sự cần có sự phối hợp giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức, trong đó, ngoài các cơ quan được trao thẩm quyền tiến hành tố tụng, một số cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tôi thắc mắc không biết theo quy định pháp luật hiện nay, cấp trưởng của những cơ quan này được trao những nhiệm vụ, quyền hạn gì? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn rất nhiều! Hoàng Trần Ngọc Dung (jun***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trực tiếp chỉ đạo hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo thẩm quyền;

b) Quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

c) Kiểm tra hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó và cán bộ điều tra;

d) Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra;

đ) Quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát.

Đối với vấn đề này, bạn cần lưu ý, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

- Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;

- Các cơ quan của Hải quan;

- Các cơ quan của Kiểm lâm;

- Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;

- Các cơ quan của Kiểm ngư;

- Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Vốn dĩ, các cơ quan này không phải là những cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng,họ được trao thẩm quyền thực hiện những chức năng riêng trong các lĩnh vực đặc thù do họ quản lý. Tuy nhiên, với tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp rải đều trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay thì việc giải quyết một vụ án hình sự đòi hỏi phải có sự phối kết hợp giữa các cơ quan được pháp luật trao cho thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý các lĩnh vực khác. Việc giao cho những cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của quá trình điều tra nói riêng trong tổng thể vụ án hình sự nói chung. 

Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào