Quyền hạn điều tra của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động điều tra hình sự

Quyền hạn điều tra của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động điều tra hình sự được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Thị Như Quỳnh, hiện đang là sinh viên đại học. Tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan điều tra trên cả nước trong hoạt động điều tra hình sự. Cho tôi hỏi, trong hoạt động điều tra hình sự, các cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tiến hành hoạt động điều tra đối với các loại tội phạm nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Thị Như Quỳnh (nhuquynh*****@gmail.com)

Quyền hạn điều tra của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động điều tra hình sự được quy định tại Khoản 3 Điều 25 Thông tư 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân. Cụ thể là:

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong khi làm nhiệm vụ mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 232, 234, 238, 239 và 240 của Bộ luật hình sự năm 1999 thì Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có quyền quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng Cảnh Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra. Trong đó:

- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo Luật Phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Nhà nước và của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có chức năng phòng ngừa cháy, nổ và thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do mình quản lý.

Các cơ quan này khi làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý phát hiện hoặc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất nổ; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc; tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền hạn điều tra của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động điều tra hình sự. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Thông tư 28/2014/TT-BCA.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào