Xử phạt hành vi sử dụng tên giống cây trồng không đúng quy định
Xử phạt hành vi sử dụng tên giống cây trồng không đúng quy định được quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 12 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với việc sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Như vậy, việc sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng và sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân sẽ bị buộc nộp lại số lợi, lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về tên của giống cây trồng được quy định như sau:
+ Người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.
+ Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
+ Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
- Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;
- Vi phạm đạo đức xã hội;
- Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó;
- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
- Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
+ Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.
+ Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
Trên đây là nội dung tư vấn về xử phạt hành vi sử dụng tên giống cây trồng không đúng quy định. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật