Quyền của người bị tạm giữ theo quy định hiện hành

Quyền của người bị tạm giữ được quy định như thế nào? Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Hùng Nam, hiện tại đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần, có một vấn đề tôi muốn được tư vấn. Chuyện là, tôi có cãi cọ với một người trong phường vì người này thường xuyên mở karaoke hát vào lúc đêm khuya làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Quá bức xúc, tôi có xúi con trai tôi ném đá sang nhà hàng xóm để họ chừa không làm thế nữa. Ngờ đâu, con trai tôi ném đá sang thì trúng vào đầu của con ông hàng xóm khiến cháu bé bị thương nặng ở đầu đang đi cấp cứu. Hiện giờ, con trai tôi đang bị tạm giữ tại trụ sở công an phường. Tôi lo cho con trai tôi lắm nên muốn tìm hiểu thử, khi bị tạm giữ thì con tôi có được những quyền gì? Mong sớm trả lời giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (hungnam***@gmail.com)

Tạm giữ được áp dụng đối với đối tượng tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Có hiệu lực tại ngày 01/01/2018): Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể:

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Trong trường hợp này, con bạn bị tạm giữ thì sẽ có quyền theo Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể:

a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;

c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền của người bị tạm giữ theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để hiểu rõ nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào